Trong Diện chẩn, bộ mặt là nơi quan  trọng nhất, vừa là nơi báo bệnh cũng vừa là nơi trị bệnh. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt trong điều trị, đòi hỏi người chữa bệnh cần nắm bắt được tốt những biểu hiện bệnh lý hay dấu hiệu báo bệnh trên mặt bệnh nhân để đưa ra phương án điều trị thích hợp.

Những biểu hiện này chia làm hai loại: loại thấy được (ở trạng thái tĩnh và động của bộ mặt) và loại không thấy được bằng mắt thường, tức là loại có thể càm nhận được bằng mắt và loại chỉ có thể ghi nhận bằng cảm giác của bệnh nhân và thầy thuốc qua hình thức sờ, ấn, vuốt vào mặt da hoặc với các loại phương tiện như máy dò huyệt, cục nam châm, đầu bút bi, kính lúp, đũa thủy tinh, que dò bằng inox, cây lăn, búa gõ, điếu ngải cứu, cục nước đá...

Mỗi loại biểu hiện phản ánh một tình trạng bệnh lý khác nhau. Đặc điểm là chúng xuất hiện một cách có trật tự, có hệ thống.

Nói cách khác, những biểu hiện này nằm trong vùng nhất định ở các đồ hình trên mặt người, tức là những vùng tương ứng với các cơ quan, bộ phận đã được hệ thống hóa. Do tính chính xác, cụ thể, chi tiết của những đồ hình, người áp dụng phương pháp Diện chẩn cần biết những biểu hiện bệnh lý (tức là những biểu hiện bất thường hay khác thường) nằm ở vị trí nào của đồ hình, hình dạng, tính chất của nó ra sao là đủ biết bệnh nhân đó bị bệnh hoặc chứng gì, ở đâu, mức độ tình trạng bệnh ra sao.

Như đã nói ở trên, những biểu hiện bệnh lý được chia làm hai loại như sau:

Loại có thể thấy được bằng mắt thường

  1. Hình thái: Khung xương, các mô và cơ, độ săn chắc của da thịt, độ cứng, mềm và tính đàn hồi của mô và cơ, sự co giật của da thịt, u xương, u mỡ, hình thái của mạch máu, hình thái của da, hình thể, hình dáng của từng bộ phận, khu vực trên mặt.
  2. Nếp nhăn: Nếp nhăn (dài, ngắn, lớn, nhỏ), vết cắt (ngắn, dài)
  3. Màu sắc: Màu da, khí sắc sáng sủa hay u ám, bóng láng hay sần sùi hoặc nám đen, nâu, đỏ, tía, xanh, xạm vàng...
  4. Dấu vết: Mụn, trứng cá, tàn nhang, mụn ruồi (các loại),,mụn ruồi có lông (hoặc chỉ có sợi lông đen hay bạc), mụn thịt, mụn cơm hay vết trắng ngà, bớt, lang ben, vết nám, điểm xung huyết, mạch máu, thẹo, đốm, lỗ thủng, điểm ấn lõm, vết lở loét, lông, lông măng, râu, mồ hôi, lỗ chân lông,..

Lưu ý: khi Diện chẩn cũng phải lưu ý đến phần tổng quát nhu khuôn mặt, vẻ mặt, nét mặt, sắc mặt, tóc tai của bệnh nhân.

 

Loại không thể thấy được bằng mắt thường

  1. Cảm giác của bệnh nhân: Đau, không đau, tê, buốt, nhói, thốn, mỏi, cộm, cứng, phừng nóng, bỏng, ngứa, rát, nặng nề, ê ẩm, nhột, cắn, xé...
  2. Nhiệt độ nơi vùng da đau (bệnh) hay nơi huyệt bệnh: Ấm, nóng, mát, lạnh.
  3. Điện trở nơi vùng da đau hay nơi huyệt bệnh: Mạnh, yếu hoặc triệt tiêu.
  4. Điện từ nơi vùng da đau hay nơi huyệt bệnh: Mạnh, yếu hoặc triệt tiêu.

 

Đầu trang